Theo định nghĩa đơn giản của người dân thời đó bao cấp nghĩa là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày…
Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo.
Bởi thế bất kể cái gì cũng phải phân phối, mà khi hàng hoá không đủ để phân phối thì cách duy nhất là phải gắp thăm…
Tôi còn nhớ dạo đó bố tôi gắp thăm được đôi vành xe đạp, ông vui lắm hý hửng mang về gói buộc cẩn thận để lên nóc tủ với ý định đợi lần sau gắp thăm tiếp sẽ mua được những bộ phận khác rồi lắp thành một chiếc xe đạp hoàn chỉnh…
Nhưng mà đợi mãi mấy năm sau vẫn chẳng “gắp” được cái gì mà đôi vành vẫn nằm nguyên trên nóc tủ, năm đó tết đến chắc túng tiền mẹ tôi đợi mãi sốt ruột dỡ xuống bán lấy tiền tiêu tết…
Lại bàn về cái chuyện gắp thăm với chả phân phối, nhiều lúc thật là dở mếu dở cười, mấy ông gắp thăm cùng với mấy bà trong cơ quan. Ông thì gắp được vải màn còn bà thì gắp được may ô, thế là không biết làm cách nào đành đổi cho nhau. Bởi thế thời bao cấp mới có câu :
“Bắt ở trần phải ở trần,
Cho may ô mới được phần may ô”.
Nhưng ở đời đâu có đơn giản như vậy, nhiều khi tết đến ba người gắp thăm được mua chung một chai rượu, mà tết đến nhà nào cũng muốn có chai rượu để thắp hương xong rồi uống…bàn đi tính lại chẳng biết chia bôi thế nào tức mình ba người bỏ ra uống cho nó đỡ phải chia, kết quả là cả ba đều…say.
Lại nói đến tết, dạo đó cơ quan bố tôi hay nuôi lợn kế hoạch 3 để đến tết chia nhau cải thiện, những hôm giáp tết mẹ tôi đứng ngồi không yên chỉ mong bố tôi mang thịt về để gói bánh chưng và chuẩn bị nấu cỗ tết.
Năm đó bố tôi mang về một cái túi dứa to trong đựng thịt, mẹ tôi thấy vậy mừng lắm bụng bảo dạ chắc tết này có nhiều thịt để ăn đây, bà cầm túi thịt đổ ra một cái rổ to rồi nhìn chằm chằm vào đống thịt hoảng hốt nói :
-giời ơi là giời, ông mang thịt như thế này về thì tôi biết nấu cái gì ?
Thì ra mấy ông mấy bà chia thịt kỹ quá đến cái chân giò cũng chia làm bốn, cái thủ lợn cũng chia làm tám… để cuối cùng bố tôi mang về một túi thịt nát vụn như.. ma vầy.
Tôi nhớ lần đó mẹ tôi phải lọc kỹ mới đủ thịt để gói bánh chưng và nấu được nồi măng còn đâu bà đem kho và rán lấy mỡ để ra giêng ăn dần, thật đúng là đã khổ lại còn khổ hơn.
Hôm đó mẹ tôi cáu quá, ngồi nhìn đống thịt vắt óc không biết làm thế nào, bà buột miệng :
-đúng là khốn khổ, cái gì cũng phân mà phân thì như cứt…
Đến bây giờ nghĩ lại câu nói đó của bà tôi vẫn cứ thấy buồn cười, thật đúng là khó khăn và gian khổ nhưng thấm đẫm tình người với những ai đã phải sống qua cái thời kỳ đó.
Đúng là một thời khó khăn nhưng cười ra nước mắt…
Tuệ Phong.