Ngày ấy thời bao cấp vất vả lắm, một tháng mới được một lạng thịt mẹ tôi toàn phải mua thịt mỡ để rán lấy mỡ xào rau hàng ngày.
Để cải thiện nhà nào cũng chăn nuôi thêm không lợn thì gà miễn là cuối năm thịt lợn bán được một món tiền và cả nhà được một bữa tươi,hôm đó mẹ tôi thường nói:
“Hôm nay cho chúng mày ăn thoải mái không phải nhường nhau hay chia xuất nữa”.
Hay là khi có giỗ là có gà để thắp hương đỡ đi một khoản,tôi nhớ nhất là dịp bắt đầu chớm đông có dịch cúm đàn gà nhà tôi bị cúm hết và thế là mấy anh em chúng tôi vui ra mặt vì được ăn…thịt gà duy chỉ có mẹ tôi là hơi buồn và lo vì biết tết này lại thêm một khoản lo nữa đó là…gà.
Quay lại chuyện nuôi lợn, vì chật trội nhà nào cũng nuôi làm chuồng trại không đủ diện tích mà lợn thì phải sạch luôn phải cọ chuồng nếu không thì hôi lắm nhất là vào dịp hè, mọi khi mẹ tôi ngăn ra một góc nhỏ trong nhà xí để nuôi lợn nhưng năm đó chú tôi cũng lại nuôi lợn nên mẹ tôi nhường chỗ để chú nuôi còn bà quyết định cũng sẽ nuôi một con lợn nhưng mà nuôi ở ngoài …thả rông.
Chúng tôi đầu tiên cũng không lấy gì làm thích thú cả vì nghĩ lợn đã ngu lại bẩn có phải chó mèo đâu mà thả rông vả lại chúng tôi lại ở trong nội thành đành rằng nhà tôi có sân truớc sân sau khá rộng rãi nhưng việc đó là việc làm không tưởng nếu không muốn nói là cấm, như thường lệ tôi vẫn đảm nhiệm việc “nuôi lợn” vì lúc đó tốt nghiệp phổ thông xong chờ đi học nghề hàng ngày tôi vẫn mua bèo băm rau và nấu cám cũng như cho lợn ăn ngày ba bữa ngoài ra cứ chiều đến là tắm cho…lợn !
Lúc đầu tôi thấy rất bình thường nhưng càng ngày tôi càng thấy con lợn này không như bình thường mọi người nói là”ngu như lợn”mà nó rất khôn gần như chó,khi tôi đi đâu về là nó chạy hồng hộc ra đầu ngõ đón.
Mùa đông tôi vứt cho nó cái bao tải sáng ra tôi thấy nó nằm gọn trong cái bao tải thò đầu ra ngoài như thể người đắp chăn, tôi có đứa em út lúc đó còn nhỏ chỉ 2-3 tuổi khi lợn tắm sạch xong thường cho nó cưỡi lợn nó thích lắm cười khanh khách mà lạ thay con lợn nó cũng đứng yên để cho em tôi cưỡi thật không ai nghĩ là “ngu như lợn”.
Nghĩ đến bây giờ vẫn thấy ngồ ngộ và buồn cười, thật là một kỷ niệm khó quên…
Tuệ Phong.
Ảnh St.