Canh Cua Rau Muống nấu với Rau rút Khoai Sọ

Hàng năm cứ vào những ngày hè nóng bức, khi ngoài chợ người ta bày bán những sóc cua đồng vẫn còn sống và béo ngậy thì cũng là lúc mẹ tôi hay nấu cái món canh cua với rau dút, rau muống và khoai sọ.

Đây là món ăn rất dân dã và phổ biến của người Hà nội và vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nó có tác dụng giải nhiệt và gần như một vị thuốc vì chứa rất đầy đủ các tố chất…

Canh cua nấu rau muống, rau dút và khoai sọ có vị mát và chất xơ của rau dút, chất sắt bổ máu của rau muống, chất bột của khoai sọ và rất nhiều chất canxi, đạm từ cua và gạch cua…

Có thể nói đây là một món canh đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cho cơ thể vào những ngày hè nóng nực.

Để nấu được món này mẹ tôi thường phải dậy từ rất sớm để đi chợ, bà chọn mua những xóc cua vẫn còn sống, có con to và tươi, mang về rửa sạch rồi ngâm với nước vo gạo để đến chiều mới nấu.

Khi cua đã bóc hết yếm và làm sạch, bà xé từng con cua ra, cái mai để riêng để lấy gạch cua ra một cái bát riêng.

Phần cua còn lại đem cho vào cái cối đá rất to (từ đời ông nội tôi đã có) để giã thật nhuyễn, kinh nghiệm rằng nếu cho thêm dúm muối vào giã cùng cua sẽ không bắn mà lại nhuyễn hơn.

Sau đó đổ nước vào để lọc lấy nước cua và cho vào một cái nồi. Mẹ tôi lọc cẩn thận lắm, thường hay lọc hai,ba lần để cho bã cua không lẫn và hết sạn.

Tiếp đó là rau muống và rau dút tươi được nhặt kỹ, rửa sạch cẩn thận và để ráo nước. Khoai sọ gọt vỏ rửa sạch thái đôi nếu củ to, không thì để cả củ.

Mẹ tôi bắc nồi nước cua đã lọc kỹ lên bếp, đun lửa to và cho mắm muối tương đối vào rồi khuấy nhẹ và đều tay cho đến khi xôi, có một cái kinh nghiệm mà tôi học được từ ngày đó và cho đến bây giờ mặc dù xa nhà nhưng tôi vẫn không quên đó là chỉ khuấy theo một chiều và khuấy liên tục cho đến khi nồi nước gần sôi thì thôi.

Lúc này mẹ tôi hạ bớt lửa mở hé vung và luôn để ý, mẹ dặn: phải cẩn thận, canh cua là nó sôi nhanh lắm mà lại rất hay trào, khi đó những cái ngọt sẽ mất và nồi canh sẽ không còn ngon nữa.

Khi canh sôi thì phải vặn nhỏ lửa để nồi nước sôi kỹ và ninh khoảng 15 phút cho cua đỡ bị tanh.

Công đoạn thứ hai là chưng gạch cua, mẹ tôi bắc chảo lên bếp cho mỡ và phi hành thơm lên rồi cho bát gạch cua vào chảo, đảo đều cho gạch cua chín rồi đổ riêng ra một cái bát.

Tiếp theo, cũng bằng cái chảo ấy bà lại xào khoai sọ lên với chút mỡ cho thật ngấm mắm, muối. Khi nồi canh đã sôi khoảng dăm mười phút, bà gạt nhẹ váng thịt cua sang một bên cho khỏi vỡ rồi cho khoai vào đun nhỏ lửa, đồng thời thêm gia vị và nếm sao cho vừa miệng…

Khoai cũng nhanh chín cho nên chỉ tầm mấy phút sau trước khi khoai sọ nhừ, mẹ tôi cho nốt chỗ rau rút cùng rau muống vào.

Tiếp theo, mẹ tôi tưới bát gạch cua vào nồi canh cho lên váng… Điều chỉnh một chút, nếm lại cho vừa và đợi nước sôi trở lại, rau muống và rau dút chín tới thì tắt bếp, bắc nồi xuống.

Múc canh ra một cái âu to để vào giữa mâm, bên cạnh là bát cà pháo…

Ngày hè nóng nực, bát canh cua thơm mát và bổ dưỡng lại thêm quả cà pháo ngâm nước lọc cho trắng và đỡ mặn… Cắn miếng cà dòn tan, chan với canh cua và cọng rau muống, rau dút, cắn miếng khoai sọ nhừ tơi rồi và lùa… Chết thật, đơn giản mà ngon thế.

Mấy anh em tôi thẳng cánh, đánh mỗi thằng 6-7 bát cơm, mẹ tôi chỉ kịp ngồi nhìn chúng tôi ăn với cái nồi cơm hết bay trong giây lát như bị bốc hơi.

Bà tủm tỉm cười với một nụ cười đôn hậu, sung sướng và hạnh phúc của một người mẹ với đàn con…

Còn chúng tôi khi cái bung đã no thì hình như những cái oi bức của bữa cơm tối ngày hè cũng gần như đã tan biến.

Đến bây giờ khi ngồi đây nhớ lại cái món canh thơm, ngon và mát đó để viết những dòng này tôi thầm mong ước lại có ngày trở về thăm nhà để được ăn món canh cua với khoai sọ, rau dút và rau muống thật đặc biệt này đó chính tay mẹ tôi nấu.

Nhớ lắm Hà nội ơi…

Tuệ phong.

Ảnh St.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *