Ngày xưa thời bao cấp bát phở nó quý lắm, đó là niềm mơ ước của tất cả những đứa trẻ lúc bấy giờ, nhiều khi phải có lý do hoặc thậm chí ốm mới được ăn.
Tôi còn nhớ rất rõ ngày ấy tôi học trường chiều, những buổi chiều muộn trời rét đi học về tầm khoảng năm rưỡi sáu giờ khi đi qua hàng phở nhà bà Thịnh, lúc đó họ đang lục tục chuẩn bị để bán hàng tối.
Chúng tôi mỗi đứa ôm một cái cặp sách vừa to vừa nặng, dép thì lê quèn quẹt trên đường, cái bụng lép kẹp vì đói đi học về. Mới chỉ cách cái hàng phở chừng 30m thôi, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi hương đặc trưng thơm ngào ngạt từ nồi nước phở bay ra. Đó là mùi nước xương bò hầm quện với mùi gia vị thảo quả, quế, hồi, gừng và hành nướng…
Tự nhiên bụng tôi sôi lên òng ọc, cái cảm giác thèm khát một bát phở nóng hiện lên trong đầu như một bản năng. Chả ai bảo ai đứa nào cũng đi thật chậm và nhìn chằm chằm vào cái hàng phở đó, rồi bất chợt một đứa với nét mặt buồn thiu nói:
-Thôi, ăn “phở ngó” thế là đủ rồi, nhanh về nhà ăn cơm kẻo lại bị mắng.
Có lẽ với chúng tôi ngày ấy, cái danh từ “phở ngó” cũng bắt đầu và xuất xứ từ đó.
Nhớ lắm, cái mùi thơm ấy…
Tuệ Phong.