Bánh Trôi Tàu & Nghệ Sĩ Phạm Bằng

Người Hà nội ít ai không biết đến cái tên Phạm Bằng, trên ti vi hay phim ảnh và sân khấu kịch… với những vai hài nổi tiếng một thời.

Nghệ sỹ Phạm Bằng sinh 1931 tại Hà Nội. Năm 1955, Phạm Bằng theo học trường Cao đẳng Giao thông Công chính, trong quá trình học ở trường ông đã cùng bạn bè tham gia đóng một vài vở kịch.

Năm 1956, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Giao thông công chính, Phạm Bằng phải nghỉ học vì lý do gia đình của ông thuộc diện tư sản cần cải tạo.

Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội.

Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội và đoàn cải lương, đoàn chèo được tách ra và Phạm Bằng bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện trên sân khấu kịch nói.

Cuối năm 1974, đầu 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương và giáo sư Đình Quang là người phát hiện ra khả năng đóng vai hài của ông, sau này chính sự nghiệp của ông thành danh cũng bởi những vai hài và nhũng vở kịch nổi tiếng đó.

Chương trình “Gặp nhau cuối tuần” trên ti vi là nơi thực sự đã đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng Hà nội và cả nước một cách gần gũi và sâu rộng nhất.

Ngày 31/10/2016, ông qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư gan, hưởng thọ 85 tuổi.

Và người Hà nội biết đến ông không chỉ qua những vai diễn hay những mẩu hài kịch gây những tiếng cười để đời mà còn biết đến ông bởi món bánh trôi tàu. Sau này khi người Hà nội nhắc đến bánh trôi tàu là nói đến Phạm Bằng mà nói đến Phạm Bằng là nghĩ ngay đến món bánh trôi tàu…

Những buổi chiều mùa thu khi cơn gió heo may đầu tiên thổi về, người ta lững thững đi bộ trên một con phố cổ bỗng bất chợt thoảng qua một mùi thơm ngào ngạt khó cưỡng và như một thói quen cái mùi thơm đó đã vô tình dẫn dắt người ta đến một con ngõ nhỏ ở 30 phố Hàng Giày… Đó chính là ngôi nhà của cố nghệ sỹ Phạm Bằng với món quà nổi tiếng từ mấy chục năm nay, món bánh trôi tàu.

Một cái ngõ nhỏ yên ắng nằm trong lòng khu phố cổ của Hà nội luôn sực nức mùi thơm quen thuộc của nước gừng chan với bánh trôi. Ở đây người ta thưởng thức cái vị ngọt thanh của nước bánh trôi, dẻo dẻo của gạo nếp và cay dịu của gừng tươi… những cái đó đã tạo nên một hương vị thơm ngon của món bánh trôi tàu…

Một cảm giác ấm áp khó tả trong những buổi chiều se lạnh của mùa thu Hà nội. Người Hà nội đến ăn không chỉ yêu thích cái hương vị của món bánh trôi tàu mà còn hoài niệm về một cố nghệ sĩ hài nổi tiếng được rất nhiều người hâm mộ và yêu thích của thủ đô Hà nội.

Tuệ Phong.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *