Phố Hàng Bột, một cái tên gợi nhớ với bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, đó là một con phố tương đối dài bắt đầu từ ngã tư Chu văn an (bệnh viện Sankt Paul) Nguyễn thái học chạy thẳng đến Ô chợ dừa.
Phố Hàng Bột cũng là một “phố hàng” nhưng lại không nằm trong khu phố cổ và sau này đến năm 1988 đã được đổi thành phố Tôn Đức Thắng.
Nói đến phố Hàng Bột là lại nhớ đến ngõ Thông phong, ngõ 215, là phải nhắc đến Quốc tử giám trường đại học đầu tiên của Việt nam và là biểu tượng của Hà nội, là vườn trẻ, là sân chơi của không biết bao nhiêu đứa trẻ thời thơ ấu.
Phố Hàng Bột có “chợ con bò”, mà sau này thành chợ Phan Phù Tiên và phở Thịnh nổi tiếng với món sốt vang, cũng như về đêm có món ” bốc mả” cho cánh xích lô, ba gác uống rượu.
Đi quá xuống chút nữa gần đến xí nghiệp dược phẩm 1 là phở Tuyết với món phở bò tái nổi tiếng. Nhìn đối diện sang bên kia đường là phố Phan Văn Trị với hàng bà Bi, chuyên bán về tầm chiều, nổi tiếng với món cháo vịt.
Đoạn gần đầu ngõ Văn Hương là phải nhớ đến bánh cuốn bà Quảng “béo”, rồi phở tổ phục vụ của bà Vượng chuyên gà. Đi qua ngõ Văn Hương mấy nhà là trạm y tế 107 đối diện nhà thờ Hàng Bột.
Phố Hàng Bột còn có cửa hàng đặc sản của Mậu dịch Quốc doanh chuyên bán bia hơi kèm thịt bò xào cho cánh “nhậu” ngày đó, nhưng vào những buổi sáng lại thường hay bán mỳ “không người lái” để phục vụ nhân dân…
Đối diện ngõ Văn Chương bên kia đường là cửa hàng lương thực 162 Hàng Bột, nơi mà có thể nói là cả ngày gần như lúc nào cũng đông nghịt người xếp hàng để mua gạo…
Phố Hàng Bột còn là một trong những phố có tuyến tàu điện quan trọng từ Hà Đông ra và chạy thẳng lên Bờ Hồ, nói đến phố Hàng Bột là phải nhớ đến tàu điện leng keng chạy qua Ô chợ dừa, ngõ Quan thổ có trường cấp 3 Trưng vương mà những cậu học sinh choai choai thường trốn vé đu bong đi học.
Nói chung là còn nhiều lắm, không thể nào kể hết được nhưng mà cứ nghe đến cái phố đó là bao nhiêu hình ảnh ký ức lại dội về, nhớ lắm…
Phố Hàng Bột ngày nay không còn nữa nhưng những người Hà nội cao tuổi vẫn quen gọi để nhớ đến tên một con phố “Hàng” đã bị mất đi ở Hà nội.
Hy vọng rằng sẽ có một ngày phố Hàng Bột lại được “Trả lại tên cho em”.
Tuệ Phong.