Mỳ vằn thắn là một món ăn có nguồn gốc từ Quảng đông Trung quốc. Nguyên bản của mỳ vằn thắn hay là mỳ hoành thánh chỉ nấu bằng nước xương lợn và ăn cùng với rau cải.
Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước món mỳ vằn thắn này đã theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam và biến đổi thành món mì vằn thắn không còn hoàn toàn giống với món ăn nguyên gốc của người Trung quốc.
Ở đất Hà thành mỳ vằn thắn đã trải qua bao nhiêu năm tháng, món ăn này đã được gọt dũa và điều chỉnh theo khẩu vị tinh tế của người Hà thành, mỳ vằn thắn đã trở thành một thứ quà rất đặc biệt mà bất cứ người dân hay ai đến thăm Hà nội cũng nên thử ít nhất một lần trong đời và dĩ nhiên là sẽ không bao giờ quên được nó.
Nhắc đến Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến bún thang nhưng sẽ là một lỗi lớn khi ít ai biết rằng mì vằn thắn cũng là một món ngon được chế biến công phu hơn phở rất nhiều. Các công đoạn để có một bát mì vằn thắn hoàn chỉnh phải có rất nhiều các nguyên liệu khác nhau mới đủ để chế biến được nó.
Ăn mỳ vằn thắn việc đầu tiên là người ta phải cảm nhận cái vị ngọt của nước dùng, đó không phải là vị ngọt của mì chính. Nước dùng mỳ vằn thắn trong, có một vị ngọt đậm đặc trưng từ xương và tôm hay cá tầm khô.
Người ta thường nói nước dùng của mì vằn thắn cũng như nước phở muốn ngon phải được ninh với sá sùng. Nhưng vì giá thành cao và khan hiếm, nước dùng mì vằn thắn giờ đây chỉ hầm với xương gà, xương lợn, tôm khô nên vị ngon của nước dùng cũng dần bị pha tạp và hạn chế.
Một bát mì vằn thắn đầy đủ phải có sợi mì trứng vàng ươm, dai dai, mềm mềm, sủi cảo vỏ mềm nhân ngọt từ tôm say nhuyễn và thơm lừng từ hạt tiêu.
Thêm vào đó là vài miếng thịt xá xíu trắng hồng thơm nõn, gan lợn chắc nịch ăn thơm ngậy bùi bùi. Trứng vịt luộc cắt kiểu bổ cau có vỏ trắng lòng đỏ vàng. Nếu là sủi cảo thì không có mì và có thêm miếng bóng lợn mềm dai ăn ngây ngây.
Rau theo mùa, có khi là cải cúc, có khi là cải ngọt nhưng lá hẹ thì nhất định không được thiếu trong một bát mì vằn thắn bởi hương vị nồng ấm, hơi hăng hăng tô điểm và làm tăng thêm vẻ đẹp cũng như vị thơm hấp dẫn của bát mì.
Nói đến đây người ta đã thấy được sự công phu, cầu kỳ để có một bát mì vằn thắn. Nhưng sự kết hợp hài hòa của những nguyên liệu trên mới đủ sức tạo nên một hương vị đặc biệt thơm ngon của món ăn này.
Mỳ vằn thắn đã được nấu với bao cóp nhặt và kinh nghiệm, sự tinh tế về khẩu vị của người Hà nội, nó đã trở thành một ẩm thực đặc sắc mà không phải ở đâu cũng có.
Nhớ lắm Hà nội ơi…
Tuệ Phong.
Ảnh St.